Sáng ngày 19/11/2023 nhằm ngày 7 tháng 10 năm Quý Mão. Tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Pháp Huệ đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 30 “ Bồ Tát tu trì ”. Phẩm này chú trọng đến diệu hạnh tự giác, giác tha của hàng Bồ Tát: Độ khắp các chúng sanh, diễn thuyết chánh pháp; dùng vô ngại từ, vô ngại huệ để hiểu pháp là Như Như; bình đẳng tu hành siêng năng trong tam giới, các hạnh thù thắng rốt ráo Nhất Thừa, đạt tới bờ kia…Trước hết là do hiểu rõ rốt ráo mật tạng của Phật, khác nào theo dòng nước tìm được nguồn, lần theo cành tìm thấy gốc. Ðã tìm thấy cội gốc rồi, chẳng đếm xỉa đến cành nhánh nữa. Cổ đức nói: “Đắc kỳ nhất, vạn sự tất” (Ðạt được một thì muôn việc xong). Nếu có thể thường biết rõ ràng bản thể của Phật thì tự nhiên điều phục được các căn, khác nào tay vung gươm báu kim cang, cái gì xáp đến cũng đều bị chém phăng. Tự đã chẳng còn, gươm cũng chẳng phải là gươm, nên khéo điều phục, thân tâm hòa thuận “thâm nhập chánh huệ”. Thân lẫn tâm đều đã điều hòa, đã hiểu rõ chánh huệ thì phiền não dư tập chẳng cần đoạn liền tự dứt, chí nguyện vô thượng, tùy thuận Như Lai, theo lời Phật dạy hành hạnh của Phật.Bởi thế, thực hành thông suốt Thất Giác, Thánh Ðạo; tu tập đủ Ngũ Nhãn của Phật, chiếu Chân, đạt Tục, thung dung Trung Ðạo. Vì tinh tấn chẳng ngơi nên mở sáng Phật Nhãn của chính mình, hiểu rõ pháp tánh, rốt ráo chứng nhập mật tạng của Như Lai. Rõ ràng là hết thảy diệu đức không một đức nào chẳng bắt nguồn từ mật tạng của Phật; mỗi một diệu đức không thứ nào chẳng quy về mật tạng ấy. Tiếp đó, kinh nói đến đức tánh độ sanh bình đẳng của các vị đại sĩ. Các vị Bồ Tát cõi ấy có lòng đại từ bi, nguyện làm lợi lạc hết thảy hữu tình nên đối với hết thảy chúng sanh chẳng nệ là thân hay sơ, là kẻ oán hay người thân, cũng không phân biệt là mình hay người, cũng không có ý tưởng kẻ khác là oán thù hay kẻ chống trái mình, xem tất cả đều như con một, bình đẳng phổ độ. Vì thế, kinh mới nói: Cũng chẳng có ý tưởng ta, người, thù ghét. Vì cớ sao? Các Bồ Tát ấy đối với hết thảy chúng sanh có tâm đại từ bi lợi ích. Những câu kinh tiếp đó nói thêm về cả hai hạnh tự lợi, lợi tha và đức hạnh bình đẳng thuyết pháp. Các Bồ Tát đi qua khắp các cõi nước thuyết pháp chẳng ngoài mục đích độ sanh, mà muốn thuyết pháp thì tự mình phải giác ngộ trước đã, nên kinh mới nói: Bỏ lìa hết thảy chấp trước, thành tựu vô lượng công đức. Dùng vô ngại huệ hiểu pháp như như. Ðó là hạnh tự lợi được viên mãn. Trong bốn ý vừa nêu trên, ý đầu tiên là bỏ lìa chấp trước vì đây chính là mấu chốt để nhập đạo. Ðức Thế Tôn thấy sao Mai liền triệt ngộ bổn tâm; ngay câu giảng đầu tiên, Ngài đã khẳng định hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức tướng như Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước nên chúng sanh chẳng thể chứng đắc nổi. Do vậy, bỏ lìa được vọng tưởng chấp trước thì ngay khi ấy liền đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Vì thế, kinh mới bảo: “Thành tựu vô lượng công đức”. Bồ Tát cõi Cực Lạc do trí huệ Bát Nhã mầu nhiệm nên biết rõ hết thảy các pháp đều rốt ráo là vô sở hữu, bất khả đắc, bình đẳng không tịch; tuy biết chắc hết thảy pháp đều là không, nhưng chẳng đoạn diệt. Cái không tịch này là Thật Tế lý thể, chứ không phải là Ðoạn Không. Nó là Ðệ Nhất Nghĩa Không, là cái Không chẳng bị đoạn diệt. Khế nhập được Tịch Diệt bình đẳng như thế nên kinh mới nói: Biết hết thảy pháp đều là không tịch. Từ đó ta đã tỏ rõ hạnh đức viên mãn của hàng Bồ Tát cõi Cực Lạc.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát