Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

TP. HCM: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT – THƯỢNG TỌA THÍCH QUẢNG LỰC THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 17/11/2024 (ngày 17 tháng 10 năm Giáp Thìn). Tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Quảng Lực đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 11: Quán chân pháp thân đức Đại Thế Chí. Trong phần kinh văn này, miêu tả vị Bồ Tát này thân lượng lớn nhỏ cũng như Quán Thế Âm. Viên quang mỗi phía rộng một trăm hai mươi lăm do-tuần, chiếu xa hai trăm năm mươi do-tuần. Quang minh nơi toàn thân Ngài chiếu mười phương cõi nước, có màu vàng tía. Chúng sanh hữu duyên thảy đều được thấy, chỉ thấy một ánh sáng nơi lỗ chân lông của vị Bồ Tát này…liền thấy quang minh trong sạch, mầu nhiệm của mười phương vô lượng chư Phật. Do đó, vị Bồ Tát này được gọi là Vô Biên Quang. Dùng trí huệ quang chiếu khắp hết thảy, khiến họ được lìa tam đồ, đắc vô thượng lực. Do vậy, vị Bồ Tát này có hiệu là Đại Thế Chí.Đức Thế Tôn đã giới thiệu Đại Thế Chí Bồ Tát và Quán Thế Âm Bồ Tát có hình trạng, vóc dáng, diện mạo đều giống hệt nhau. Ở đây cũng giới thiệu nguyên do của danh hiệu Bồ Tát, vì sao Ngài được gọi là Đại Thế Chí? Ngài còn có một danh hiệu khác là Vô Biên Quang, ở đây, chúng ta đều thấy: Vì Ngài có thể khiến cho hết thảy chúng sanh hữu duyên xa lìa tam đồ, đắc vô thượng lực, nên gọi là Đại Thế Chí. Danh hiệu Đại Thế Chí được kiến lập từ chỗ này.Mỗi một hoa báu có năm trăm bảo đài. Trong mỗi đài, tướng các cõi nước tịnh diệu rộng lớn của mười phương chư Phật đều hiện trong ấy. Nhục kế trên đỉnh đầu Ngài như hoa sen đỏ. Trên nhục kế có một bình báu. Đây là chỗ khác với Quán Âm Bồ Tát.

Trong bình báu ấy đựng gì? Chứa quang minh. Hiện khắp các Phật sự. Những thân tướng khác giống hệt như Quán Thế Âm, chẳng khác. Chỗ chẳng giống Quán Âm Bồ Tát là mão khác nhau.Lúc Bồ Tát này đi, mười phương thế giới hết thảy chấn động. Chỗ đất chấn động có năm trăm ức hoa báu. Mỗi một hoa báu trang nghiêm, cao rạng như thế giới Cực Lạc. Đây là cảnh giới hiện ra khi Bồ Tát đi.

Khi vị Bồ Tát này ngồi, cõi nước bảy báu đồng thời rung chuyển. Từ cõi Kim Quang Phật ở phương dưới cho đến cõi Quang Minh Vương Phật ở phương trên, trong khoảng đó, vô lượng phân thân của Vô Lượng Thọ Phật, phân thân của Quán Thế Âm, Đại Thế Chí số nhiều như vi trần đều cùng vân tập đầy dẫy trong hư không của cõi Cực Lạc, [tất cả các phân thân] đều ngồi trên tòa hoa sen, diễn nói diệu pháp, độ chúng sanh đang khổ sở. Đoạn này nói Bồ Tát đi và ngồi đều thực hiện sự trang nghiêm lợi ích chúng sanh.Đoạn kinh văn này giới thiệu Đại Thế Chí Bồ Tát trong Tây Phương Tam Thánh. Kinh nói Bồ Tát đi và ngồi, tức là nói tới hai thứ trong bốn oai nghi. Nói hai thứ thì hai thứ khác cũng đều được bao gồm trong ấy, phải biết điều này. Đi, đứng, ngồi, nằm toàn là Phật sự, toàn là chấn động hết thảy. Đại Thế Chí Bồ Tát đi, đứng, ngồi, nằm, hết thảy chấn động, Quán Thế Âm Bồ Tát có giống như vậy] hay không? Đương nhiên là có. Chớ nên bảo là trong phần kinh văn nói về Quán Âm Bồ Tát chẳng hề đề cập thì có lẽ Quán Âm Bồ Tát đi, đứng, nằm, ngồi chẳng có chuyện ấy! Đức Phật nói kinh, hễ có những gì trong phần kinh văn giảng về Quán Âm Bồ Tát, đã nói Quán Âm Bồ Tát đã có thì Đại Thế Chí Bồ Tát đều có. Đã nói Đại Thế Chí Bồ Tát có những tướng trạng gì, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đều có, chẳng khác gì nhau.Đối với sự chấn động, nói “hết thảy chấn động” là nói về tâm địa, tức tâm địa của hết thảy chúng sanh. Thấy quang minh của đức Phật, nghe đức Phật thuyết pháp, tâm địa chấn động, giác ngộ! Trước kia, tâm này mê hoặc, điên đảo, nay bị chấn động, tâm liền khai giải, tâm khai ý giải, mang ý nghĩa này. Ở đây là nói tâm địa chấn động, tâm khai ý giải. Do đó, “động” ở đây có nghĩa là “tuôn trào”, tuôn trào là gì? Trí huệ luôn tuôn trào, giác tánh thường tuôn trào, biểu thị ý nghĩa này. Hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều có thể giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đấy là nói tổng quát. Nói tổng quát thì chỉ có trong mão của hai vị Bồ Tát này là khác biệt, một vị là hóa Phật, vị kia là bình báu. “Nhị chủng hữu dị, dư tướng giai đồng” (Hai thứ có khác biệt, những tướng khác đều giống nhau). Những tướng khác hoàn toàn đều giống nhau, chỉ có trên mão là có sai khác đôi chút. Tướng mạo giống nhau, oai nghi cũng giống nhau, đương nhiên công đức lợi sanh vẫn giống nhau. Do đó, bất luận nói về điểm nào, hai vị Bồ Tát thảy đều giống nhau.Trừ tội trong vô số kiếp A-tăng-kỳ sanh tử. Quán phép này, chẳng ở trong bào thai, thường dạo trong các cõi nước thanh tịnh mầu nhiệm của chư Phật. Phép Quán này thành tựu thì gọi là quán trọn đủ Quán Thế Âm và Đại Thế Chí.

Hình ảnh tại buổi lễ:

Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Chiếu 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN ĐÃ ĐĂNG
Các tin khác