Sáng ngày 19/05/2024 (12/04 năm Giáp Thìn), 3 tiểu Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Nghi lễ và Ban Văn hoá thuộc Phân ban Ni giới Trung ương, đã kết hợp tổ chức buổi Toạ đàm với chủ đề “Văn hoá Phật Đản” tại hội trường chùa Long Phước, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, với mong muốn mang lại sự hiểu biết mới và đúng về sự kiện Đản sanh của đức Phật nhân mùa Phật đản PL. 2568. Tham dự buổi toạ đàm có Ni trưởng Thích nữ Như Dung – Phó Trưởng Phân ban kiêm trưởng tiểu Ban Nghi lễ PBNG Trung ương; Ni sư Thích nữ Huệ Dâng – Phó Trưởng Phân ban kiêm Trưởng tiểu Ban Hướng dẫn Phật tử PBNG Trung ương, Trụ trì chùa Phước Long, Ni sư Thích nữ Lệ Thuận – Phó Trưởng Phân ban kiêm Trưởng tiểu Ban Văn Hoá PBNG Trung ương, chư Tôn đức Ni và hơn 100 thiện nam tín nữ Phật tử mến mộ đạo Phật cùng có mặt.Mở đầu cho buổi toạ đàm, Ni sư Thích nữ Lệ Thuận đã chia sẻ đến đại chúng chủ đề “Ý nghĩa hình ảnh Đức Phật sơ sinh.
“Hình ảnh sơ sinh của một đứa bé vô cùng quen thuộc và việc tưới tắm bằng 3 gáo nước ở vai trái, vai phải và trên đỉnh đầu, mang ý nghĩa truyền tải vô cùng sâu sắc, nguyện đoạn nhất thiết ác, nguyện tu nhất thiết thiện, nguyện độ nhất thiết chúng sanh. Những giọt nước được tưới lên kim thân Phật sơ sinh mang niềm tin, trân trọng và hy vọng về một sự sống tươi mới qua nghi thức Tắm Phật.”.Tiếp theo đó, với chủ đề Văn hoá Phật Đản, Ni trưởng Thích nữ Như Dung đã nói cụ thể hơn về Nghi thức “Tắm Phật” trong Phật giáo. “Tắm Phật là chúng ta tự gột rửa tự thân của mình, dội sạch những sầu bi khổ ưu não mà bấy lâu nay chúng ta đã tích trữ. Mà may mắn nhất, chúng ta là những người con Phật, mỗi mùa Phật đản về, chúng ta lại có thêm cơ hội để làm mới thân tâm, để tiếp tục giúp đời với đôi bàn tay bao dung, phụng sự với đôi chân vững chãi, và trãi lòng thương cho đời với đôi mắt và trái tim ấm”.Với một tư tưởng mới, Ni sư Thích nữ Như Ngọc đã hướng dẫn đại chúng Phật tử thực tập theo hạnh từ bi và sự tỉnh thức của Đức Phật. “Phật vốn đã có mặt từ rất lâu, nhưng vì chúng sanh nên mới thị hiện Kim thân Đản sanh tại thế giới này để khai thị, vận chuyển bánh xe pháp, chỉ rõ bản chất bình đẳng của Pháp cho chúng sanh. Cũng như vậy, trong mỗi con người ai cũng đã có Phật, chỉ là vì bộn bề cuộc sống nên bị bỏ quên. Nên việc đảnh lễ Phật tượng chính là đảnh lễ bản tính thanh tịnh bình đẳng trong mình“.Khép lại chương Trình Ni sư Thích nữ Huệ Dâng đã hướng dẫn đại chúng cùng thực tập quay về hơi thở, buông thư và có mặt với thân tâm mình trong tư thế đứng vững chãi của Tứ Oai nghi. Vì trong kinh Đức Phật đã dạy, chỉ có quay về nương tựa hải đảo tự thân, lấy chánh pháp làm ngọn đèn để soi sáng tự thân để ngày ngày bước đi trên con đường chuyển hoá Hiểu và Thương.
Sau những giây phút tĩnh lặng, chư Tôn đức Ni đã cùng lắng nghe những chia sẻ, xúc cảm của quý Phật tử, cũng như những người mến mộ đạo Phật có mặt tại hội trường.“Từ bi là một từ khoá quan trọng mà mỗi người con Phật phải mang theo trong cuộc đời. Vì đạo Phật có mặt cũng vì muốn cứu khổ và ban vui cho muôn loài. Cho nên, việc thực tập bao dung, cảm thông và tha thứ, hay nói khác hơn là luôn đặt vị trí của mình vào người để cùng hiểu và cùng thương, cùng sống Chân, sống Thiện và sống Mỹ” – Chia sẻ và gửi gắm của Ni sư trụ trì. Được biết, chiều cùng ngày, được sự hướng dẫn của chư Tôn đức Ni của 3 tiểu Phân ban, đoàn cũng đã đến thăm và trao tặng 1.100 phần quà cho các bệnh nhân tại bệnh viện Tâm thần (TP. Thủ Đức) với trị giá 110 triệu đồng. Với tinh thần “Phật pháp bất ly Thế gian pháp”, chu Tôn đức Ni đã lấy phương châm “Trao yêu thương, trao nụ cười” làm chủ đề cho buổi thiện nguyện, với sự cảm thông, tha thứ, với tấm lòng từ bi và thương mẫn chúng sanh không có ngăn ngại.
Hình ảnh tại sự kiện:
Thực hiện: Tường Chơn – Khánh Duy