Tải hình tại đây!
Hòa chung trong không khí của những người Phật tử Việt Nam trên cả nước hướng về vùng đất thiêng Yên Tử, để tôn vinh và tưởng nhớ những công đức và sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp. Đại lễ tưởng niệm lần thứ 715, ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, sáng nay, 13/12/2023 (01/11/Quý Mão), BTS GHPGVN TP. Hồ Chí Minh đã trang nghiêm cử hành đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023) tại Việt Nam Quốc Tự (242 – 244 đường 3/2, P.12, Quận 10, TP. HCM). Tham dự và dâng hương tưởng niệm, có sự hiện diện của Đức Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng – Pháp Chủ GHPGVN, chư Tôn đức Thường trực HĐCM, chư Tôn đức Thường trực HĐTS, chư Tôn đức Tăng Ni Thường trực BTS GHPGVN, chư Tôn đức ủy viên BTS, Trụ trì các tự viện trong thành phố và đông đảo Phật tử. Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông là dịp để Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong và ngoài nước, cũng như xã hội có dịp chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về triều đại nhà Trần (1225-1400) hào hùng trong lịch sử đất nước với vị Vua – Phật đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất đất nước là Vua Trần Nhân Tông. Sự kết hợp hài hòa giữa vai trò của một nhà vua và một nhà tu hành để Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm qua. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử cùng ôn lại tiểu sử của Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông (7/12/1258 – 16/12/1308) do Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên. “Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật Kim. Năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh -Trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố v.v… tất cả đều hết lòng dạy dỗ. Chính Vua Cha cũng đã soạn Di hậu lục để dạy dỗ cho Thái tử cách xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau này…” Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất tại Việt Nam từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam, đặt nền tảng cho tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền phái đã hợp nhất được 03 dòng thiền đang hiện hữu khi ấy, hội tụ và dung hợp được nguồn minh triết từ các thiền phái Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Hoa – một nền Phật giáo thống nhất của người Việt với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; xây dựng một nền Phật giáo nhập thế yêu nước, tư tưởng đó đã trở thành sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay. Từ đây, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã phát triển và toả sáng theo đúng nghĩa là thiền phái của người Việt với các vị tổ sư đều là người Việt. Đặc biệt, tinh thần nhập thế của Thiền phái đã thắt chặt mối quan hệ giữa đạo và đời, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp trong xã hội. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng Thiền phái vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc suốt hơn 700 năm qua. Thiền phái để lại nhiều dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử mà con cháu đời sau luôn hướng về. Qua những cống hiến của Đức vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, các Tăng, Ni, Phật tử luôn tôn vinh Ngài là vị vua Phật Việt Nam. Ngày tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn hàng năm cũng là ngày giỗ chung của Phật giáo Việt Nam. Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã dâng lời tưởng niệm Đức Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông. Nhân lễ kỷ niệm 715 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, toàn thể Tăng Ni và Phật tử một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ chư Tổ, phát nguyện học theo hạnh nguyện quý Ngài và thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo pháp và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một thiên đường, cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ tát đạo. Sau đó, chư Tôn đức trang nghiêm dâng hương tưởng niệm Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông theo nghi thức truyền thống Phật giáo.Đại diện ban tổ chức TT. Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký- Chánh Văn phòng 2 GHPGVN đã có lời cảm tạ đến chư Tôn đức, Phật tử đã dâng hương tưởng niệm 175 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.
Hình ảnh tại buổi lễ:
Thực hiện: Huệ Tâm – Minh Tâm