Sáng ngày 17/12/2023 (5 tháng 11 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. ĐĐ. Thích Đức Nguyên đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 34 “ Tâm được mở sáng ”.Trong phẩm này, ngài Di Lặc lãnh hội được ý chỉ của Phật, tâm được khai minh. Phật lại ban lời dạy: Một là đoạn Hoặc chướng niệm Phật, biết khổ tu thiện; hai là tự lợi, lợi tha, lần lượt cứu vớt nhau; ba là lại dạy về quả báo thù thắng của cõi Cực Lạc; bốn là đoạn trừ nghi ngờ để khỏi bị sanh vào biên địa.Ngài Di Lặc lãnh ngộ lời Phật, tự mừng vui sâu xa, tỏ bày lời tán tụng bằng cách bạch rằng: “ Lời Phật dạy răn rất sâu, rất lành “. Ðược nghe pháp yếu nên dứt được nỗi lo bị trôi nổi trong sáu đường; nếm được pháp lạc nên trừ được cái khổ sanh tử. Phật là đạo sư của cả chín cõi, là bậc tôn quý nhất trong các thánh nên ngài Di Lặc bảo Phật “ tôn quý, cao siêu hơn các thánh”. Quang minh của Phật chiếu cùng tột, thấu suốt chẳng có ngằn hạn nên bảo là “quang minh chiếu tột, suốt thấu vô cực”, Phước lẫn trí đều siêu việt, thù thắng.Vì thế, pháp này khiến cho hội chúng hoan hỷ, mừng rỡ, khai phát Phật trí, hiểu rõ tự tánh. Bởi vậy, ngài Di Lặc mới bảo: “Tâm được mở sáng”. Phật lại dạy bảo ngài Di Lặc lần nữa; trước hết đức Phật dạy nên tự độ. Nếu muốn chân thật niệm Phật thì trước hết phải “ cắt đứt hồ nghi”. Tánh của loài cáo hay nghi ngờ nên mới bảo là “hồ nghi”. Hành nhân chẳng dứt nổi nghi thì chẳng dám dũng mãnh tiến lên nên bảo là “còn hồ nghi”. Nên biết rằng: Khi chưa đoạn nổi cội nghi thì sẽ khi tin, khi ngờ, nửa tin, nửa ngờ, hoặc miễn cưỡng niệm thử, nhưng tâm ý chưa yên; hoặc là miệng tuy niệm Phật mà tâm vẫn hâm mộ tông khác. Ðấy đều chẳng phải là chân thật niệm Phật.Nói tóm lại, nghi tình chưa đoạn, chánh tín khó sanh. Tín nguyện khiếm khuyết thì tư lương khiếm khuyết. Vì thế, Phật dạy phải “tiệt đoạn hồ nghi”, ròng rặt niệm Phật, hâm mộ, hăm hở niệm, dốc trọn cả tính mạng mà niệm cho tới chết! Hoa nở gặp Phật ngộ Vô Sanh Nhẫn. Như vậy mới là “đại thiện”! . Người kiêm cả phát Bồ Ðề tâm, niệm Phật được vãng sanh thì nương vào oai thần của Phật sẽ đi hóa độ khắp cả tam giới.Người được vãng sanh sẽ du hành mười phương tuyên thị diệu pháp Di Ðà viên đốn: Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, nhằm dẫn dắt kẻ chưa được độ quy hướng Cực Lạc. Vì thế, Phật bảo: “Khai thị chánh đạo, độ kẻ chưa được độ”.Trong đoạn kinh này, nửa đoạn trước, Phật khuyên dụ chúng sanh đoạn hoặc niệm Phật; còn nửa đoạn sau Phật lại khuyên chúng sanh nên biết khổ để tu thiện. Theo đó, người gặp được Phật vẫn còn nhiều kiếp trầm luân sanh tử, ưu khổ chẳng dứt thì người chẳng gặp được Phật, ưu khổ còn hơn thế nữa! Bởi đó, kinh dạy: “Mười phương nhân dân bao kiếp đến nay” xoay vần trong năm đường, thường đọa vào tam đồ, đau đớn tột bực, không lúc nào hết.Tiếp đến, kinh đã giảng rõ sanh tử lưu chuyển ưu khổ chẳng ngớt, khuyên ta phải xuất ly. Ðấy là nhàm chán Sa Bà. Còn đoạn này lại khuyên cầu sanh Tịnh Ðộ, chính là ham cầu Cực Lạc. “ Lần lượt cứu vớt người khác” là hạnh lợi tha. Ðây chính là điểm thứ hai trong lời khai thị của Phật. Phát được cái tâm to lớn “tự giác, giác tha” niệm danh hiệu Phật thì mới khế hợp được tông thú của bản kinh này “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm”.Đức Thích Tôn nhắc lại sự thù thắng nhiệm mầu của cõi Cực Lạc, khuyến dụ vãng sanh. “Khoảnh khắc” là một phần bốn mươi tám của một phút, tức là một khoảng thời gian rất nhỏ. Phật khuyên người đời: Một đời siêng năng vất vả cũng chỉ như trong khoảnh khắc. Thân sau sanh về Cực Lạc thì cái vui ấy không cùng tận. Sự vui mầu nhiệm vô biên vượt trỗi mười phương, chẳng hề chấm dứt nên bảo là “vô cực”.Thế Tôn rủ lòng Từ đã khuyên đại chúng nên yêu thích cầu sanh Cực Lạc, lại khuyên chúng sanh nên bỏ nghi hoặc để khỏi sanh trong biên địa. Ðấy là điểm thứ tư trong lời khai thị của Phật. Kinh dạy: “Chúng sanh phải thành kính chuyên tu, nhất tâm đạt tịnh nghiệp”; “Chẳng được ngờ vực, hối hận, tự tạo thành ương họa”: Ý Phật khuyên chúng sanh chớ nên nghi hoặc để tự tạo ra tai ương cho chính mình ngõ hầu khỏi phải “sanh vào biên địa của cõi ấy… chịu các ách nạn.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Chiếu