Sáng ngày 10/12/2023 (28 tháng 10 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên, số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. ĐĐ. Thích Trí Huệ đã có buổi thuyết giảng “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 33 “ Khuyến dụ sách tấn ”.
Phẩm này nói lên những điều tệ ác cõi Sa Bà:
Chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, ba độc Tham – Sân -Si, tạo nghiệp, khổ báo vô tận, chìm đắm trong biển khổ, đau đớn không cách gì diễn tả nổi.Vì thế, Phật thương xót khuyên bảo nên chán lìa. Phật dạy răn, khuyên lơn chúng sanh nên dứt ác làm lành, tinh tấn hành đạo, cầu sanh An Lạc.Trước hết đức Phật chỉ rõ: Toàn bộ chúng sanh cõi này đều bị phiền não, khuyên lơn chúng sanh nên nhàm lìa.“ Người đời cùng nhau đua chen cạnh tranh với nhau những chuyện thế tục không quan trọng, khẩn yếu, chẳng trọng đại sự cấp bách nơi bản thân, chẳng biết vô thường nhanh chóng, sanh tử là việc lớn; chỉ tham danh lợi nên sầu khổ muôn bề, chẳng biết lúc nào thoát khỏi. Vừa mới có đươc một chút lại toan khư khư giữ lấy, sợ gặp tai biến, lo mất mát đi. Các điều như trên đều là những tai họa thình lình phát sanh, như lửa có thể đốt cháy rụi, nước cuốn trôi mất, kẻ cướp cướp đoạt, kẻ trộm cuỗm mất, oán gia báo cừu, chủ nợ xiết nợ. Thậm chí trong khoảnh khắc chẳng còn một thứ gì là của mình nữa, cái giàu sang ngày trước đột nhiên chẳng còn sót lại chút gì nên bảo là “phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt” (đốt,trôi, cướp đoạt, tiêu tan, mòn diệt).
Người đời “tâm xan, ý cố” (tâm keo, ý chắc) nghĩa là người đời tấm lòng keo kiệt đến mức ngoan cố. Tài vật mà bị mất thì trong lòng càng thêm phẫn hận, lo buồn, oán hận, sầu khổ, không thể rảnh trí nổi, nên kinh mới nói: “Chẳng thể buông bỏ nổi”. Bốn câu từ “mạng chung khí quyên” (mất mạng là mất hết) trở đi phiếm chỉ hết thảy người đời. Lúc lâm chung, hết thảy tài vật quyến thuộc yêu dấu đã tích cóp đều phải buông bỏ hết; một mình mình đến, một mình mình đi, không ai bầu bạn. Dẫu ngƣời mình thƣơng yêu nhất cam chịu chết cùng một lúc với mình thì cũng chẳng thể đến cùng một chỗ! Nghiệp nhân bất đồng, quả báo ngàn lần sai khác, nên mỗi người sẽ sanh về một chỗ khác nhau. Bởi thế kinh dạy: “Mạc thùy tùy giả”.
Phật đã khuyên thường hòa hoãn, tiếp theo, Phật dạy nếu bất hòa sẽ kết thành đại oán. Giận dữ là một trong tam độc. Một khi tâm sân lên thì tạo thành mối hận nhỏ, oan oan tương báo không lúc nào thôi. Kẻ oán ghét thường chạm mặt nhau, sát hại lẫn nhau, càng lúc thêm dữ dội. Sự trong thế gian càng thêm tai hại là những sự báo oán trong thế gian tạo thành họa hại. Ðã tạo nghiệp nhân, ắt kết thành ác quả. Vì sự báo ứng chẳng lập tức hiển hiện ngay trong hiện tại nên kinh mới nói “tuy bất lâm thời” (tuy chẳng thấy ngay lập tức), nhưng nhân quả chẳng hơn, quyết sẽ báo ứng trong đời sau. Tiếp đến Phật khuyến dụ ngườii đời bỏ ác tu thiện.“Ái dục” là tình ái và tham dục; ái dục chính là cội gốc sanh tử. Ái chẳng nặng chẳng đọa Sa Bà! Toàn thể ngƣời đời chìm đắm trong ái dục cho nên chết đây sanh kia, luân chuyển vô cùng. Dẫu cho quyến thuộc đầy nhà nhưng lúc sanh tử: Sanh thì trơ trọi một thân đi đến, chết thời riêng một mình ta ra đi, chẳng có ai theo, không ai thay được. Quả báo sướng hay khổ đều do tự mình tạo, tự mình hưởng, cũng không ai khác thay thế được.
Nhân quả mỗi người sai khác nên sẽ sanh về những nơi khác xa nhau. Bởi vậy, lúc lâm chung chia tay nhau trọn thành vĩnh biệt. Một phen chịu báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp, trôi lăn trong sáu nẻo, biết ngày nào gặp lại nhau. Dẫu có trùng phùng cũng chẳng hề nhận biết nổi nhau nên mới nói: “Không dịp gặp gỡ “.
Bởi đấy, đức Thế Tôn xót thương cảnh tỉnh khuyên lơn người đời sao chẳng ngay lúc mạnh khoẻ hãy “nỗ lực tu thiện” chứ còn đợi đến khi nào nữa. Ví nhưcây mía đã bị ép, bã mía chẳng còn vị gì. Tuổi trẻ khỏe mạnh cũng giống như thế, khi bị tuổi già ép thì chẳng còn có ba thứ vị: một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa Thiền. Tuổi già mất cả ba thứ vị như vậy nên phải gấp rút nỗ lực, chớ nên chần chừ.
Do ngu si nên tâm ý bế tắc chẳng thể chánh tín nhân quả, chẳng thể tin nhận kinh pháp hòng nhập chánh đạo. Ngược lại, càng dễ đâm ra tin thờ các tà thuyết ngoại đạo. Bởi thế, kinh nói: “Chuyển thọ dư giáo” (Đâm ra tin nhận các giáo lý khác). Thấy biết điên đảo như thế liên tục chẳng dứt, chìm đắm mãi mãi trong sanh tử; nhƣng nguồn gốc của những tà kiến ấy lại chính là si nghiệp. Sanh tử vô thƣờng là do si làm cội gốc. Kinh gọi đó là: “Vô thường căn bản”.
Người đời ngu si, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều như huyễn mộng, nhƣ hoa đốm trên không, lầm tưởng thật có; nào hay vô thường vùn vụt, chẳng thể giữ mãi nổi. Lúc sanh càng yêu mến, lúc chết càng bội phần xót xa. Lúc mất: Kẻ còn sống thƣơng xót thân nhân từ nay vĩnh biệt; kẻ chết thương mình ra đi vĩnh viễn, lƣu luyến nhau khó thể bỏ nổi, như mũi dao xoáy vào tim. Bởi thế, kinh nói: “Nhất tử nhất sanh, điệt tương cố luyến” (Một sống, một chết, bịn rịn, luyến tiếc nhau).
Những ân ái xưa kia nay thành khổ, hai điều này trói buộc thân tâm như dây thắt chặt mối, chẳng thể thoát ra nổi nên kinh bảo: “Ưu ái kết phược, vô hữu giải thời” (Lo khổ, yêu thương thắt buộc, chẳng lúc nào tháo ra nổi). Mà “kết phược” chính là phiền não. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương chép: “Phiền não, ám Hoặc (phiền não si ám) trói buộc hành nhân nên gọi là Kết. Nó lại ràng buộc cái tâm nên gọi là Kết vì nó kết tập hết thảy sanh tử”. Như vậy, vướng vào tình ái thì liền bị sanh tử buộc ràng, chẳng có lúc nào thoát khỏi.
Trong ba ác nghiệp, sân nghiệp là nhân của địa ngục. Có câu: “Một đốm lửa sân tâm thiêu trụi rừng công đức”. Người đời ít kẻ tỉnh ngộ chánh đạo, lắm kẻ mê hoặc nên lòng luôn ôm ấp ý giết hại, độc địa, tàn hại mạng người khác. Ác khí hừng hực, từ chỗ tối vào trong chỗ tối nên kinh mới nói“ác khí minh minh” (ác khí mịt mù).
Người đời do ngu si nên sanh tâm sân hận mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau, mặc tình làm ác; ôm lòng độc ác, chỉ làm các điều xằng bậy. Kẻ tạo tội như thế do nghiệp lực tội ác của đời trước sẽ mặc sức làm ác. Tới khi sự ác ngập đầu, quả báo ắt sẽ hiển hiện nên đột nhiên bị chết mất đi, đọa lạc trong ba ác đạo, chịu lấy quả báo chẳng có cùng cực, không biết khi nào mới thoát nổi.Những điều chúng sanh tưởng là vui thật ra chính là cái nhân tạo khổ. Từ cái nhân tạo khổ ấy ắt phải sanh ra quả khổ nên bảo là “ chẳng thể vui nổi “.
Ấy là vì cái vọng tâm này chính là cội rễ sanh tử, tuân theo cái vọng tâm này thì khác nào nhận giặc làm con, toan nấu cát thành cơm, làm sao ăn nổi? Lẽ đâu rong ruổi theo tâm tánh làm điều càn quấy hay sao? Câu kinh sau đây trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín” có cùng một ý nghĩa với câu kinh ở đây. “Tụt hậu sau người khác” là thua người khác vậy.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát