Sáng ngày 05/ 11/ 2023 (22 tháng 9 năm Quý Mão). Tại chùa Phước Viên, số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. NS. Thích Nữ Như Lan đã có buổi thuyết giảng Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 28 “Đại Sĩ Thần Quang”. Phẩm này nói về thần thông, quang minh của các bậc Đại Sĩ cõi Cực Lạc. Trong các thánh chúng, đặc biệt nêu rõ Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát là cao tột bậc nhất. Oai thần, quang minh, công đức lợi sanh của hai vị đều vượt xa các bậc thánh khác.
Hai vị Đại Sĩ dùng thần thông là thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông của mình biết hết, hiểu rõ các việc của chúng sanh trong lục đạo một cách vô ngại. Thánh chúng có đảnh quang và thân quang; quang minh tỏa ra từ nơi thân thì gọi là ‘thân quang’. Thân quang của Thanh Văn chỉ chiếu xa tám thước (thước Tàu, chừng 0.33 cm), thân quang Bồ Tát chiếu xa mấy mươi dặm. Oai thần, quang minh của hết thảy các Bồ Tát trong cõi Cực Lạc đều thù thắng, nhưng riêng có hai vị thượng thủ là cao quý bậc nhất trong hết thảy mọi người. Một vị tên là Quán Thế Âm, một vị tên là Đại Thế Chí. Quang minh, oai thần của hai ngài chiếu trọn tam thiên đại thiên thế giới.
Quán Thế Âm Bồ Tát’ còn được gọi là Quán Tự Tại. Vị Bồ Tát ấy nghe thấy người đời xưng niệm danh hiệu của ngài thì rủ lòng từ bi cứu độ nên hiệu là Quán Thế Âm. Quán khắp pháp giới, tùy theo cơ duyên từng người mà tự tại dẹp khổ, ban vui nên hiệu là Quán Tự Tại.
Ngài Pháp Tạng giảng: ‘Quán xét thông đạt cảnh sự lý vô ngại nên đặt tên như vậy (Quán Tự Tại). Lại do ngài tùy theo cơ duyên mà đến cứu, tự tại chẳng bỏ sót nên có tên như vậy (Quán Thế Âm). Vị đại Bồ Tát này cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát đứng hầu hai bên Phật Di Đà, giúp Phật giáo hóa, thường gọi là Tây Phương Tam Thánh. Lại nữa, Quán Âm Đại Sĩ vốn chính là Chánh Pháp Minh Như Lai như kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Vô Ngại Đà Ra Ni dạy: ‘Quán Thế Âm Bồ Tát, sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về quá khứ, đã từng thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi hết thảy Bồ Tát, vì để an lạc thành thục các chúng sanh nên hiện làm Bồ Tát’. Đại Thế Chí Bồ Tát’: Bồ Tát đại trí, đại thế lực có thể đến hết thảy chỗ nên hiệu là Đại Thế Chí. Theo kinh Lăng Nghiêm, Đại Sĩ ‘dùng tâm niệm Phật nhập Vô Sanh Nhẫn… chẳng nhọc phương tiện tự được tâm khai… Nay ở trong cõi này nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Độ’. Ngài cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát là hai vị bên cạnh Phật Di Đà.
Quán kinh nói: ‘Dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp hết thảy khiến họ lìa tam đồ, đắc vô thượng lực. Vì vậy, vị Bồ Tát ấy hiệu là Đại Thế Chí’.
Quán kinh lại bảo: ‘Vị Bồ Tát ấy lúc đi mười phương thế giới hết thảy chấn động. Ngay trong lúc cõi đất rung động có năm trăm ức hoa báu, mỗi một hoa báu trang nghiêm, cao, rạng như Cực Lạc thế giới’.
Vì thế, Đại Nhật Kinh Sớ quyển năm chép: ‘Giống như quốc vương, đại thần trong đời oai thế tự tại nên ngài tên là Đại Thế Chí. Vị thánh giả ấy (Đại Thế Chí Bồ Tát) đã đạt được địa vị đại bi tự tại đến như thế nên có tên như vậy’. Hai vị Bồ Tát ấy đều đã từng ở trong ta bà thế giới tu Bồ Tát hạnh, được vãng sanh về cõi kia, làm gương cho mười phương nhân dân, phổ nguyện chúng sanh cầu sanh Tịnh Độ. Trong câu ‘hiện sống trong cõi này’, ‘cõi này’ chính là thế giới Ta Bà. Hai vị Bồ Tát làm như vậy vì các ngài có nhân duyên sâu đậm với chúng sanh cõi này. ‘Làm đại lợi lạc’ là nhiếp thủ chẳng bỏ người niệm Phật, khiến họ lìa tam đồ, đắc vô thượng lực, cùng sanh Cực Lạc.
Quán Thế Âm Bồ Tát được đời xưng tụng là vị Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn. Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa có nói: Chúng sanh khổ não ‘nhất tâm xưng danh thì Quán Thế Âm ngay lập tức liền xem xét âm thanh ấy, đều giải thoát cho cả’. Kinh còn nói: ‘Vị Bồ Tát Ma Ha Tát này hay ban sự vô úy cho kẻ đang trong sợ hãi, nạn gấp nên thế giới Ta Bà này gọi ngài là đấng Thí Vô Úy’. Vì vậy, ‘nếu có nạn gấp, hãi sợ’ chỉ cần chí thành quy hướng Đại Sĩ, thiết tha chơn thành trì danh ngài thì đều được giải thoát. Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Phát