Sáng ngày 10/11/2024 (10 tháng 10 năm Giáp Thìn). Tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. HT. Thích Nhựt Hỷ đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 10: Quán chân pháp thân dức Quán Thế Âm. Trước khi giảng giải cách quán của pháp quán này, Hòa Thượng đã khai tâm mở trí cho hàng hậu học là trong mỗi phép Quán đều cần phải dùng “Tâm”. Tâm này làm Phật – là chân tâm. Chẳng phải là chân tâm, sẽ chẳng hiển lộ cảnh giới, mà cũng chẳng thể sanh ra biến hóa. Đức Phật đã khuyên dạy chúng sinh rằng hãy chăm tu tập “Tứ vô lượng tâm”, hay tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Đây cũng chính là tâm của Bồ Tát. Vì vậy, Phật dạy là hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế và cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn đức tính tiềm tàng bên trong lòng của mỗi người chúng ta. Dù cho giàu có sang cả hay nghèo khổ cơ hàn, dù thông minh trí tuệ hay đần độn dốt nát, dù ốm gầy hay mập mạp, cao hay thấp, mạnh mẽ hay yếu đuối, xinh đẹp hay xấu xí thì Tứ vô lượng tâm đều có sẵn trong tâm, trong lòng chúng ta.Chính nhờ Từ, Bi, Hỷ, Xả mà con người mới xứng đáng được là con người. Theo đó, Tứ vô lượng tâm này là phần tinh túy cao cả nhất trong tâm hồn và đồng thời là lý do, nền tảng cho mọi hành động của mỗi ta. Tâm hồn chúng ta có được sự tinh khiết, thanh tịnh thì cũng nhờ có Tứ vô lượng tâm. Đành rằng Tứ vô lượng tâm đã có sẵn trong lòng mỗi con người, tuy nhiên, chúng ta phải cố công tìm kiếm mới mong thấy được nó. Đồng thời, chúng ta cũng phải cố gắng thực hành và vun đắp những đức tính một cách liên tục, không ngừng thì mới hy vọng trở thành một con người tốt được.
Theo đó, chúng ta cần cố gắng: cố gắng không tham dục, không say mê; cố gắng diệt tận những tư tưởng oán hờn, ganh tị; cố gắng không lười biếng; cố gắng vượt khỏi mọi sự thắc mắc lo âu; cố gắng tạo một đức tin vững vàng, tin nơi Phật, tin nơi Pháp, tin nơi Tăng, tức là thắng được hoài nghi trong lòng; cố gắng diệt trừ cái “có ta” để đạt cho kỳ được cái “không ta”. Dục tham, sân hận, lười biếng, lo âu và hoài nghi là năm động lực liên tục chi phối tâm của chúng ta và làm cho tâm luôn luôn dao động. Đây cũng là năm chướng ngại làm tâm ta không thể trở về thanh tịnh.
Bên cạnh đó, vì không thể hiểu được chân lý của sự vật và vũ trụ là vô thường, vô ngã, khổ não nên con người mới đâm ra tham và phàm đã tham tức có luyến ái, thọ hưởng, kèm theo đó là ghen ghét, lựa chọn, bám giữ cái đã có, ước mong cái sẽ có, tiếc hận cái đã mất. Chính vì tham, sân, si mà con người không thể tiến đến trạng thái trong sạch.Tuy vậy, bây giờ, với Tứ vô lượng tâm, chúng ta sẽ thắng được năm trạng thái trên. Lúc này, lòng ta sẽ dần dần bình lại, lắng xuống và từ đó trở nên thanh tịnh, trong sạch. Chừng đó, chúng ta sẽ sống được một cuộc đời phong phú vô biên với Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Khi tâm đã thanh tịnh, lúc ấy quán tưởng đến hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Vị Đại sĩ này thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, sắc tử kim, đảnh có nhục kế. Viên quang nơi đầu của Bồ Tát, mỗi phía đều rộng trăm ngàn do tuần. Trong viên quang có năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Mỗi vị hóa Phật đều có năm trăm Hóa Bồ Tát và vô lượng chư thiên làm thị giả. Trong thân quang của Bồ Tát hiện tất cả sắc tướng của ngũ đạo chúng sanh.Bồ Tát đầu đội thiên quang bằng chất báu Tỳ Lăng già Ma ni. Nơi thiên quang có một vị Hóa Phật đứng, cao hai mươi lăm do tuần. Quán Thế Âm Đại sĩ mặt như sắc vàng diêm phù đàn, tướng bạch hào giữa đôi mi có đủ sắc thất bảo, chiếu ra tám muôn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi ánh quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn Hóa Phật. Mỗi vị Hóa Phật lại có vô số Hóa Bồ tát làm thị giả. Các Hóa Bồ tát này biến hiện tự tại đầy khắp mười phương thế giới. Cánh tay của Bồ tát như sắc hoa sen hồng, có tám mươi ức tia sáng nhiệm mầu dường như chuỗi anh lạc, trong ấy hiện ra tất cả việc trang nghiêm. Bàn tay Bồ tát như năm trăm ức sắc tạp liên hoa, nơi đầu mỗi ngón tay có tám muôn bốn ngàn làn chỉ đẹp dường như nét vẽ của chiếc ấn. Mỗi làn chỉ đều có tám muôn bốn ngàn sắc, mỗi sắc lại có tám muôn bốn ngàn tia sáng soi khắp các nơi. Bồ tát thường dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh các cõi.
Nơi lòng bàn chân của Quán Thế Âm Đại sĩ có tướng Thiên bức luân. Khi Bồ Tát dở chân lên, từ nơi luân tướng ấy hóa hiện ra năm trăm ức đài quang minh. Lúc để chân xuống tự nhiên có vô số hoa kim cương ma ni tuôn rải tản mác khắp mọi nơi.Ngoài ra, các tướng khác nơi thân bồ Tát đều đầy đủ và xinh đẹp như đức Vô Lượng Thọ Thế Tôn; duy trừ nhục kế và tướng vô kiến đảnh là không bằng Phật. Đây là môn tưởng sắc thân chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm, thuộc về phép quán thứ mười.
Đoạn chánh văn trên đây đã miêu tả chơn thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu “năm trăm Hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Như Lai” là chỉ cho chư Hóa Phật đều cao một trượng sáu và có đủ ba mươi hai tướng như thân tướng của đức Thích Ca Mâu Ni. Những tướng lạ nơi tay của Bồ Tát, tiêu biểu cho năng dụng từ bi, sự hóa hiện nơi chân hiển thị về quả pháp công đức. “Thiên bức luân” là hình tướng bánh xe có ngàn cây căm. Câu”duy trừ nhục kế và tướng vô kiến đảnh là không bằng Phật” hiển minh phần quả nguyện của Bồ Tát chưa bằng Phật, nên hai tướng ấy phải kém hơn.Nếu chúng sanh nào muốn quán thân tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải nên quán tưởng đúng như vậy. Người tu thành môn quán nầy không còn gặp các tai họa, trừ sạch nghiệp chướng và tội lỗi trong vô số kiếp sanh tử. Chúng sanh chỉ nghe danh hiệu vị Bồ Tát ấy còn được vô lượng phước, huống nữa là quán kỹ sắc thân? Người nào muốn quán tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, trước nên quán nhục kế trên đảnh, tiếp quán đến thiên quan, bao nhiêu tướng khác cũng lần lượt quán cho rõ ràng, như; thấy các làn chỉ trong bàn tay. Quán như thế, gọi là chánh quán. Nếu tưởng sai khác là tà quán.Đức Phật đã nhấn rõ lại nghi thức tu quán. Quán Thế Âm Bồ tát có bản nguyện tìm tiếng cứu khổ, chúng sanh nào chỉ thường xưng niệm danh hiệu cũng được trừ tội, sanh phước, khỏi các tai nạn, huống chi là quán đến sắc thân? Cho nên người nào tu thành môn quán này, không những hiện đời được lợi ích, mà khi lâm chung cũng chắc chắn sẽ được sanh về Tây phương vậy.
Hình ảnh tại buổi giảng:
Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Tuấn