Nhằm nêu cao những đóng góp của Đức Tổ Sư và Phật giáo Khất sĩ đối với đạo pháp và nhân sinh. Được sự cho phép của Trung ương Giáo hội và các cấp Chính quyền, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM phối hợp cùng Hệ phái Khất sĩ, đồng tổ chức Hội thảo Khoa học “HỆ PHÁI KHẤT SĨ: TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC, LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP”. Lễ khai mạc phiên toàn thể Hội thảo long trọng diễn ra tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505 đường Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 05/ 11/ 2023, (22/9 Quý Mão). Chứng minh và tham dự buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Tường – Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương, Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ; Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp Chế Trung ương, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, chư Tôn đức các Ban, Viện, Văn phòng 2 Trung ương, chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ. Đại diện chính quyền có ông Vũ Hoài Bắc – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, ông Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, ông Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia TP. HCM và hơn 2. 000 khách mời là Tăng Ni, học giả, Phật tử.Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết đây là hội thảo lần thứ 2 do Hệ phái Khất sĩ đồng tổ chức với Viện Nghiên cứu Phật học VN và Viện Nghiên cứu Tôn giáo về Tổ sư Minh Đăng Quang. – Vị khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ đã đồng hành cùng với các Tông phái Phật giáo Việt Nam trong mọi thời kỳ, góp phần cho sự hòa hợp, phát triển chung của Giáo hội luôn đồng hành cùng Dân tộc.Phát biểu chúc mừng, TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, Hệ phái Khất sĩ có phương thức hành đạo bình dị, gần gũi với nét văn hóa, lối sống và sinh hoạt phù hợp với người dân tại vùng đất Nam Bộ. Mặc dù xuất hiện muộn, nhưng đã không ngừng phát triển, đến nay đã trở thành một Hệ phái có sức ảnh hưởng trong nước và nước ngoài.Tại hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, dù thời gian xuất hiện ngắn, chỉ có 32 năm rồi vắng bóng, nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang đã thu nhận nhiều đệ tử, thành lập Tăng đoàn. Dấu chân của Tổ sư và Tăng đoàn lan tỏa từ Tây Nam Bộ lên đến Sài Gòn – Gia Định và Đông Nam Bộ, đã góp phần thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thập niên 50 của thế kỷ trước lên tầm cao mới. Phát biểu đánh giá, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề cao 5 nội dung tại hội thảo liên quan đến tầm nhìn, sự cải cách và nhập thế của Tổ sư Minh Đăng Quang; việc tiếp nhận và vận dụng tinh hoa các trường phái Phật giáo của Hệ phái Khất sĩ; nghi thức tụng niệm thuần Việt; sự gắn bó, đồng hành của hệ phái đối với GHPGVN và tinh thần nhập thế của Hệ phái.Tại hội thảo, ông Vũ Hoài Bắc cũng đánh giá cao những đóng góp của Hệ phái Khất sĩ – hệ phái Phật giáo đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trong ngôi nhà chung của GHPGVN cũng như trong quá trình tham gia xây dựng và phát triển đất nước.PGS.TS Chu Văn Tuấn phát biểu đề dẫn hội thảo. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 170 bài viết từ Tăng Ni, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Các bài viết tập trung làm sáng tỏ về cuộc đời, đạo nghiệp, tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang, quá trình hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ. Sau lễ khai mạc tổng thể, hội thảo chia thành 5 diễn đàn, các diễn giả sẽ trình bày theo các chủ đề: Tổ sư Minh Đăng Quang: Hành trạng và tôn chỉ; Tổ sư Minh Đăng Quang: Tư tưởng Phật học; Phật giáo Khất sĩ: Hình thành và phát triển; Phật giáo Khất sĩ: Văn hóa, văn học và kiến trúc; Phật giáo Khất sĩ và những đóng góp.Suốt trong chiều dài lịch sử tồn tại của mình, Hệ phái Khất sĩ đã có nhiều đóng góp to lớn đối với nền đạo nước nhà, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong sứ mệnh lịch sử nối truyền Thích Ca chánh pháp. Kể từ ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam vào năm 1946, nay là Hệ phái khất sĩ, bước chân du hoá của chư Tăng Ni hệ phái đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Để kỷ niệm 100 năm, ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Hệ phái Khất sĩ long trọng tổ chức chuỗi sự kiện kéo dài một tuần lễ với nhiều hoạt động văn hoá, học thuật, nghi lễ tâm linh, triển lãm nghệ thuật, hành hương chiêm bái, mỗi chương trình đều mang những ý nghĩa cao đẹp trên từng phương diện.
Hình ảnh tại sự kiện:
Thực hiện: Nguyễn Huỳnh – Khánh Duy