Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

TP. HCM: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT – THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN XUÂN THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 24/11/2024 (24 tháng 10 năm Giáp Thìn). Tại chùa Phước Viên, số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Thiện Xuân đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – Pháp quán 12: Tự vãng sanh quán. Sau khi đã quán tưởng thành công chân pháp thân đức Đại Thế Chí, hành giả nên từ nơi chân tâm, hãy nên tự khởi tâm sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngồi xếp bằng trong hoa sen. Tưởng hoa sen khép lại, tưởng hoa sen nở ra. Tưởng khi hoa sen nở, có năm trăm ánh sáng có màu chiếu đến thân. Tưởng khi mở mắt, thấy Phật, Bồ Tát đầy khắp hư không. Âm thanh của nước, chim, rừng cây và tiếng Phật nói đều diễn diệu pháp, phù hợp với mười hai bộ kinh. Như khi xuất Định, nhớ giữ chẳng quên. Đã thấy sự ấy thì gọi là thấy thế giới Cực Lạc của Vô Lượng Thọ. Đó là phổ quán tưởng, được gọi là phép Quán thứ mười hai.Chúng ta là những người học Phật, tu theo Phật, chủ yếu là phải hiểu Phật dạy như thế nào, để đi đúng đường không lầm lạc được lợi ích, đường hướng ấy được dạy ở chánh báo và y báo. Chánh báo là quả báo gốc hay quả báo chủ yếu của nghiệp nhân đã tạo, còn y báo là quả báo nương nơi chánh báo mà có như nhà cửa cảnh vật xung quanh… Chánh báo và y báo là chỉ cho con người và cảnh vật thuộc về con người. Vậy chánh báo và y báo cái nào là gốc cái nào là ngọn?. Nếu chúng ta không hiểu sẽ bị lầm lẫn và không biết cái nào là gốc để tu, cứ mãi chạy theo cái ngọn, rồi cả đời tu không được lợi ích. Vậy, quí Phật tử học xong, có thể tự quán tưởng đến hành động của mình, là phải chuyển tâm, khi tâm chuyển thì thân và cảnh mới chuyển theo. Nếu tâm không chuyển thì thân và cảnh không thể chuyển được.Chánh báo, tức là thân và tâm của chúng ta. Y báo, là hoàn cảnh của chúng ta. Trong quá khứ ta đã sống như thế nào, đã có những hành động nào về thân, miệng và ý, cho nên hôm nay ta có cái thân thể như thế này và cái tâm thức như thế này. Đó gọi là chánh báo. Hình hài, thân thể, sức khỏe và tâm tư ta là chánh báo của ta. Và cái hoàn cảnh bao quanh chánh báo đó gọi là y báo. Y là chỗ mình nương tựa vào. Ta đừng tưởng hoàn cảnh nằm ở bên ngoài. Hoàn cảnh cũng do mình tạo ra. Tại vì cả hai đều là “báo” hết cho nên chánh báo cũng là mình mà y báo cũng là mình.Nhưng nhớ, chánh báo mà chuyển được là phải có cơ hội, có sức mạnh đánh thức mới chuyển được, chớ bình thường khó mà chuyển nổi. Cũng như quí Phật tử khi chưa biết đạo không thích đi chùa, không thích làm phước. Nhưng nhờ một cơ duyên nào đó, chẳng hạn như trong gia đình có xảy ra tai biến khổ đau, bạn bè rủ đi nghe pháp, nên được thức tỉnh và chuyển tâm niệm liền thay đổi cuộc sống.Quán tưởng chẳng dễ dàng. Hơn nữa, hiện thời chúng ta phiền não rất nặng, vọng niệm quá nhiều, nên vận dụng Quán Tưởng Niệm Phật quả thật chẳng dễ gì thành tựu. Vì lẽ đó, chúng ta chuyên chọn Trì Danh làm phương pháp tu hành, lấy Trì Danh làm chủ, và cũng có thể dùng quán tưởng để phụ trợ, điều này rất hữu ích. Dùng quán tưởng để phụ trợ thì chúng ta có thể tưởng bao nhiêu bèn tưởng bấy nhiêu, rất thuận tiện! Đặc biệt là ban đêm trước khi ngủ, trong khi chúng ta nằm trên giường, hãy tưởng đang vãng sanh, tưởng đức Phật đến tiếp dẫn chúng ta. Thường quán tưởng như vậy, sẽ có lợi ích to nhất, lúc lâm chung chẳng sợ hãi. Người bình phàm, nói thật ra, hết thảy chúng sanh đều là như vậy, có thể nói là lục đạo chúng sanh không ai chẳng như vậy, tham sống sợ chết! Khi thật sự sắp chết, nỗi sợ hãi hiện hữu, thật sự có thể giữ cho tâm chẳng điên đảo, xa lìa hoảng sợ, cần phải có định lực rất sâu. Khi lâm chung, người thật sự chẳng điên đảo, chẳng sợ hãi, dẫu chẳng phải là người niệm Phật, cũng chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo. Vào trong ba ác đạo là như thế nào? Do hoảng loạn nên mới vào, há có người nào đầu óc sáng suốt lại đọa trong ba ác đạo? Chẳng thể nào! Chỉ có trong lúc hoảng loạn thì mới như thế, chẳng thấy rõ ràng hết thảy cảnh giới, bèn thuận theo nghiệp lực lôi dắt vào đó. Thần trí sáng suốt, chẳng hề hoang mang, thấy rất rõ cảnh giới, người ấy sẽ có thể chọn lựa, tất nhiên sẽ chọn lựa phước báo nhân thiên. Nếu là người niệm Phật, vào lúc khẩn yếu ấy, chắc chắn là người ấy chọn lựa Tây Phương Tịnh Độ. Chỉ có một niệm tương ứng ấy, Phật liền đến đón tiếp. Quý vị một niệm tương ứng, ngay lập tức Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn quý vị. Vì thế, loại quán tưởng này, tức là quán tưởng thường vãng sanh có lợi ích vô cùng to lớn.Trong khi chúng ta quán tưởng, vẫn còn chưa mạng chung, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí đều hiện tiền, đúng là “nhập ngã tưởng trung” (vào trong tâm tưởng của ta), cũng chính là như kinh văn trong phần trước đã nói: “Nhập chúng sanh tâm tưởng trung” (Vào trong tâm tưởng của chúng sanh). Trong tâm tưởng Phật, tâm liền làm Phật. Tưởng Bồ Tát, tâm liền làm Bồ Tát. Cuối phần Quý vị thường thường có thể quán tưởng như thế, sẽ cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ Tát, điều này thuộc về Sự, còn “tâm làm, tâm là” thuộc về Lý. Lý và Sự tương ứng, Lý và Sự chẳng hai, niệm Phật, ức Phật như vậy, công đức lại chẳng thể nghĩ bàn.

Hình ảnh tại buổi giảng:

Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Khoa

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN ĐÃ ĐĂNG
Các tin khác