Thứ ba, Tháng Một 21, 2025

TP. HCM: KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT – THƯỢNG TỌA THÍCH QUẢNG LỰC THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 5/1/2025 (06 tháng 12 năm Giáp Thìn). Tại chùa Phước Viên, số 318, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. TT. Thích Quảng Lực đã có buổi thuyết giảng Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật – “Lợi ích nghe pháp và lưu thông kinh”.Trong đoạn kinh này, Đức Phật giảng giải cho phu nhân Vi Đề Hy xong mười sáu phép quán tưởng, Phu nhân nghe giảng, liền nương theo văn nhập quán; nghe xong bèn tu hành, khai giải và đắc Vô Sanh Nhẫn. Đó là căn tánh Đại Thừa Bồ Tát, phu nhân là căn tánh Đại Thừa Bồ Tát, trọn đủ Tam Huệ. Tam Huệ là Văn, Tư, Tu. Văn là tiếp xúc, nghe Phật thuyết pháp là Văn, lắng nghe là tiếp xúc. Vừa nghe bèn hiểu rõ, khai ngộ, đó là Tư, tức Tư Huệ. Sau khi khai ngộ, chẳng mê, chẳng điên đảo. Nói theo phương diện chẳng mê, chẳng điên đảo là Tu Huệ. Nói cách khác, phiền não, tập khí, vọng tưởng, chấp trước thuận theo sự nghe mà đoạn trừ. Đức Phật giảng kinh xong xuôi, phiền não và tập khí của bà ta cũng đoạn hết. Ngay khi ấy liền chứng đắc Thất Địa Bồ Tát. Từ địa vị phàm phu, ngay lập tức chứng đến Thất Địa Bồ Tát. Pháp môn này là đại pháp Viên Đốn, chẳng trải qua thứ tự, ngay lập tức chứng đắc cảnh giới này.Không chỉ dừng tại đó, mà các thị nữ của bà Vi Đề Hy do nghe pháp mà đạt được lợi ích. Phu nhân chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, sanh vào Thất Địa. Các thị nữ cũng chẳng đơn giản, duyên cũng hết sức sâu, nghe đức Phật thuyết pháp, Bồ Đề tâm phát hiện. Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề trong phần trước đã nói là “chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”. Phát trọn vẹn ba tâm chính là quả vị Sơ Trụ trong Viên Giáo. Đức Phật giảng kinh này trong cung, thính chúng chỉ có ngần ấy, ai nấy đều đạt được lợi ích thù thắng khôn sánh.Đức Phật dạy phu nhân Vi Đề Hy ức niệm, thọ trì, thảy đều dạy xong xuôi. Tôn giả A Nan vâng mệnh truyền trì Phật pháp, nên Ngài có trách nhiệm. Ở đây, Ngài thỉnh giáo đức Thế Tôn, kinh này nên có danh xưng là gì? “Hà danh thử kinh”, phải thọ trì như thế nào?

Đức Phật nói kinh này có hai danh xưng: Danh xưng thứ nhất kiến lập theo phương pháp tu học, quán Tây Phương Tam Thánh. Truyền đến Trung Quốc, do vị đại sư phiên dịch đã giản hóa đề mục, nên tên kinh được gọi là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Vì nói đến Vô Lượng Thọ Phật, đương nhiên thế giới Cực Lạc cũng được bao gồm trong ấy, Quán Âm, Thế Chí cũng bao gồm trong đó, nên giản hóa đề mục. Đề kinh tuy giản hóa, nhưng ý nghĩa trọn đủ. Tựa đề kia (danh xưng thứ hai của kinh này) được kiến lập theo công đức lợi ích của kinh; vì thế, kinh này có tên là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sanh Chư Phật Tiền, “nhữ đương thọ trì, vô linh vong thất” (ông hãy nên thọ trì, đừng để quên mất).Trong lời dặn dò có lời khích lệ, điều đức Phật đã nói trên đây. Ý nghĩa rất rõ rệt: Niệm kinh này là niệm Vô Lượng Thọ Phật, công đức niệm Phật và niệm kinh như nhau. Quý phật tử niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh A Di Đà và niệm kinh này đều là niệm A Di Đà Phật, chẳng khác gì nhau! Vì lẽ đó, chúng ta niệm kinh, có người nói: “Rốt cuộc tôi niệm kinh tốt hơn, hay là niệm danh hiệu A Di Đà Phật hay hơn?” Đều được cả! Niệm kinh hay niệm danh hiệu đều được, đều là ức Phật, niệm Phật. Tùy thuộc trạng huống tu học của chính mình! Nếu có thể nhiếp tâm, tâm địa thanh tịnh thì danh hiệu rất tốt. Nếu niệm danh hiệu mà vẫn chưa thể nhiếp tâm, vọng tưởng, tạp niệm rất nhiều, nhưng niệm kinh tương đối dễ dàng nhiếp tâm thì niệm kinh xong bèn niệm danh hiệu A Di Đà Phật.Kinh đã viên mãn, hy vọng quý vị Phật tử có thể vâng theo những điều khai thị trọng yếu trong kinh, nhớ giữ không quên, y giáo phụng hành. Nếu chúng ta nhận biết Phật pháp đôi chút, liền biết trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có gì quý báu hơn Phật pháp. Nhất là pháp môn Tịnh Tông trong Phật pháp, thù thắng khôn sánh bậc nhất, cổ nhân tán thán là “một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, nay chúng ta gặp gỡ. Đã gặp, nếu chẳng thể nắm thật chặt, lỡ làng một đời này như thế, rất đáng tiếc!.Quý vị phải nắm chắc, thật sự giác ngộ, buông xuống vạn duyên. Chúng ta được làm thân người trong đời này quá đáng quý, sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đắc đại tự tại, nếu mong trở về thế giới này để giúp đỡ hết thảy chúng sanh, sẽ là Bồ Tát thừa nguyện tái lai, đến đi tự do, thù thắng lắm! Vì sao còn muốn tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo? Vẫn còn muốn chịu những nỗi khổ nạn ấy? Chẳng gặp pháp môn này, sẽ chẳng có cách nào, muốn vượt thoát nhưng chẳng được, chẳng có điều kiện.Do vậy, hy vọng quý Phật tử  phải thật sự phát tâm. Có thể phát tâm hoằng dương pháp môn này, đương nhiên là càng khó có. Hoằng dương pháp môn này, nói thật ra, phải xa lìa pháp thế gian, phải bỏ sạch sành sanh tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần trong thế gian, chẳng cần những thứ ấy. Hoằng pháp lợi sanh thì nếu gặp người duyên đã chín muồi, thấy người ấy thật sự chịu tiếp nhận, thật sự có thể nghe hiểu, thật sự có thể y giáo tu hành, Giảng cho người ấy, đời này người ấy niệm Phật vãng sanh thành Phật, tuyệt diệu thay!

Hình ảnh tại buổi giảng:

Thực hiện: Diệu Thanh – Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

TIN ĐÃ ĐĂNG
Các tin khác